Phong Thủy và những thứ đội lốt phong thủy.

 Phong Thủy và những thứ đội lốt phong thủy.

Định nghĩa phong thủy ngày nay có vẻ như càng ngày càng tạp loạn. Nhiều môn học, hoặc nhiều cửa hàng kinh doanh các món đồ, bằng những lý luận khác nhau, đều cố gắng nhét chữ “phong thủy” vào. 

Vì có 2 chữ này nghe nó sang, tạo niềm tin cho khách hàng. Tác dụng thì theo tôi đa số chủ yếu là tác dụng “niềm tin”, giống như “giả dược” ở trong Y Học. Khi niềm tin đủ lớn thì thật sự có tác dụng. Còn tác dụng về mặt khoa học thật sự thì rất ít.

 

Phong thủy là gì?

Từ “Phong Thủy” xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm Táng Thư của Quách Phác đời Tấn bên Trung Quốc. (nói nhà Tấn chắc nhiều bạn không biết, nhưng nhắc đến Tư Mã Ý thời Tam Quốc thì nhiều bạn sẽ biết. Vua đầu tiên của nhà Tấn là cháu nội của Tư Mã Ý).

Sinh khí gặp gió (phong) thì tan đi, gặp nước (thủy) thì dừng lại.

Phong thủy lấy âm dương làm căn bản, lấy “sinh khí luận” làm trung tâm, lấy tàng phong đắc thủy làm điều kiện, lấy việc tìm ra môi trường lý tưởng để có phúc ấm làm mục đích cuối cùng.

 

Như vậy, bản chất Phong Thủy là luận sinh khí.

Với âm trạch (xem mồ mả), đó là xem mạch đất, mạch nước, xem chỗ gió lộng (phong) sẽ tán bớt sinh khí. Xem chỗ nước tụ, nước giao, nước lớn (thủy) để tụ sinh khí.

Với dương trạch (xem nhà ở), đó là xem luồng di chuyển của con người, bố trí các phòng trong nhà, để có thể đảm bảo sinh khí hòa hợp, không quá mạnh, không quá yếu, tụ sinh khí vừa đủ mà không bị tán đi.

 

Những thứ đội lốt phong thủy?

Khá là nhiều, có thể kể đến 1 số thứ như sau:

 

- Màu sắc sơn nhà, màu sắc quần áo, màu sắc xe cộ… Những thứ này chẳng liên quan gì đến tàng phong tụ thủy nên không thể gọi là phong thủy.

Tác dụng của nó lên con người như thế nào?

Ở phương Tây thì có môn tâm lý liên quan đến màu sắc, nghiên cứu ảnh hưởng của từng màu sắc lên tâm lý con người.

Còn ở phương Đông có môn Tứ Trụ, cân đo đong đếm ngày giờ tháng năm sinh của mỗi người, tìm ra dụng thần, từ đó tìm màu sắc phù hợp.

Riêng mấy cái màu này thì tôi nghĩ tin vào tâm lý học phương Tây sẽ chuẩn hơn.

 

- Vòng đeo tay bằng đá, gỗ. Tất nhiên cũng chẳng liên quan gì đến tàng phong tụ thủy và không thể gọi là phong thủy.

Tác dụng của nó lên con người như thế nào?

Với vòng đeo tay bằng đá, tôi đã có bài viết chi tiết. Tất cả đá thì đều là hành Thổ, dù đá đó màu xanh, màu vàng hay màu đỏ. Tất cả vòng gỗ thì đều là hành Mộc, dù đó là gỗ đỏ, gỗ nâu hay gỗ đen.

Tác dụng của mấy cái vòng này thì mang tính “niềm tin” là chính, giống như “giả dược” thôi. Chứ có tác dụng mạnh thật sự thì tiền tỷ 1 cái vòng vẫn là rẻ.

 

- Tượng đồng, tượng đá, thạch anh... Tất nhiên cũng chỉ là đội lốt phong thủy.

Tác dụng của nó lên con người như thế nào?

Tác dụng của những thứ này tôi không dám bác bỏ hoàn toàn. Vì với những tượng lớn hay tảng đá thạch anh lớn, ít nhiều sẽ thay đổi trường khí ở trong nhà. Nên chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đến con người. Tốt hay xấu thì theo kinh nghiệm thôi. Nhưng tiếc là những cái kinh nghiệm đó hay bị thổi phồng 1 cách quá đáng.

Ví dụ như 1 cục thạch anh nho nhỏ mà đòi thăng quan phát tài, xua hết sát khí. 1 con rùa đồng nho nhỏ mà đòi trấn trạch cả mảnh đất, dọa dẫm cả thần linh. Tôi nghĩ các thầy phong thủy đang hơi ảo tưởng sức mạnh chăng?

Không đâu, tiền cả đấy chứ đùa. Ảo tưởng tí mà có tiền thì cũng đáng để các thầy dối lừa lương tâm 1 tí.

 

- Sim số điện thoại, biển số xe, số nhà… Tất nhiên là đội lốt phong thủy, vì chẳng liên quan gì đến Phong hay Thủy.

Tác dụng của nó lên con người như thế nào?

Phương Tây thì có môn Thần Số Học, phương Đông thì có Bói Dịch. Nhồi nhét đủ ý nghĩa cao siêu cho mấy con số. Tác dụng thật sự thế nào tôi cũng không dám phản bác, vì tôi không phải chuyên gia về Thần Số hay Bói Dịch. Nhưng vì kiếm tiền mà các thầy phong thủy không ngại nhét mấy con số này vào môn “phong thủy”, thật là trái lương tâm.

Post a Comment

0 Comments
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.