Cưới nhau cách 3,6,9 tuổi thì có làm sao không?

Không thể phủ nhận là sau hàng ngàn năm sống cạnh Trung Quốc, văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều. 
Một trong số đó là việc du nhập về những môn bói toán – huyền học như tử vi – tử bình – nhân tướng học – phong thủy – chỉ tay v.v….
Nhưng các bạn biết rồi đấy, ngày xưa số người học hành đến nơi đến chốn ít lắm. Số người biết chữ cũng chẳng bao nhiều. Một ông đồ già dạy học ở làng cũng chỉ dạy trẻ biết mặt chữ và đọc vài ba quyển sách.
Những kiến thức sách vở du nhập từ Trung Quốc về, cũng chỉ một số ít nghiên cứu cẩn thận và áp dụng đầy đủ. Còn với đa phần người dân Việt, việc áp dụng khá là sơ sài, thiếu sót, và lưu hành chủ yếu qua truyền miệng.
Một trong số đó là việc xem tuổi để kết hôn.

Hiện nay tôi thấy nhiều bạn khi yêu rất đắn đo và lo lắng khi người yêu cách mình 3,6,9 tuổi. Mà các cụ hay gọi là “tứ hành xung”. Nhiều người lỡ yêu rồi thì bị gia đình phản đối, và đáng sợ hơn, khi về nhà chồng rồi, những rắc rối tai họa xảy đến cho chồng mình, cho nhà chồng, cứ đổ hết tội cho việc xung tuổi gây ra.

Sự thực thì, ở Trung Quốc, người ta rất cẩn trọng khi xem tuổi hôn nhân. Mỗi người sinh ra đều được cha mẹ ghi cẩn thận lại ngày, giờ, tháng, năm sinh. 4 yếu tố, mỗi yếu tố có 2 chữ Can Chi, hợp lại gọi là Bát Tự.
Ví dụ, bạn sinh năm Canh Ngọ. Chữ Canh và Ngọ là 2 chữ của năm. Các yếu tố tháng, ngày, giờ cũng có 2 chữ tương tự, tổng lại là 8 chữ.
Khi đôi trẻ kết hôn, bà mối cầm bát tự của nhà trai đem sang nhà gái, hoặc ngược lại. Và thầy tướng số sẽ xem xét xem đôi trẻ có hợp với nhau hay không. Nếu không hợp thì dù môn đăng hộ đối đến mấy cũng không cưới. Hợp thì mới thành duyên được.

Khi về Việt Nam, với điều kiện người dân Việt xưa rất ít người biết sử dụng lịch. Giờ sinh thì hầu như không bao giờ ghi lại. Họ chỉ nhớ mang máng như: giờ ra đồng, giữa trưa, giờ gà lên chuồng … Ngày sinh, thậm chí năm sinh họ còn chẳng nhớ chuẩn.
Nói các bạn không tin chứ, nhiều người xưa ở nông thôn thậm chí chẳng nhớ rõ con mình bao nhiêu tuổi đâu, chỉ ước chừng kiểu nó tầm 14-15 tuổi.
Bởi thế nên các cụ khi tính tuổi kết hôn cho con, toàn tính mỗi yếu tố năm cho tiện. Đôi khi tiện quá, chỉ dùng mỗi 1 chữ (ví dụ như tuổi Ngọ với tuổi Dậu, tuổi Thân với tuổi Dần). Vậy là Trung Quốc thì dùng Bát Tự, còn Việt Nam thì dùng Nhất Tự.

Tôi hơi rông dài như thế, để các bạn thấy là, phương pháp tính xung tuổi bằng việc cách 3,6,9 tuổi nó thiếu chính xác và sơ sài như thế nào. Thế nhưng vẫn rất rất nhiều người tin. Và người lớn luôn xem đó là yếu tố đầu tiên khi con cái đem người yêu về ra mắt.
Thực tế thì vẫn rất nhiều đôi xung tuổi nhưng vẫn tốt đẹp. Và nhiều đôi hợp tuổi nhưng vẫn xấu đó thôi.
Tôi thì quan điểm nhân duyên rằng: Nếu số bạn tốt, bạn không cầu cũng có người hợp đến với bạn. Có cưới xung tuổi vẫn cứ tốt.
Nếu số bạn xấu, số phận cứ đưa đẩy, lao đầu vào những người dở hơi. Có cưới hợp tuổi vẫn cứ xấu.

Nên nếu các bạn lỡ yêu người xung tuổi. Đừng quá lo lắng, hãy nhìn vào những thứ thực tế như: anh ta có tốt không, tiền có nhiều không, tài năng ra sao, sự nghiệp thế nào. Chứ đừng để chuyện tuổi tác ảnh hưởng.
Chúc các bạn hạnh phúc và không phải chia tay vì lý do lãng xẹt này.

Post a Comment

0 Comments
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.