Giá như tôi ở quá khứ … làm khác đi.

“Giá như, tôi của quá khứ, không làm thế này, mà phải làm khác đi, làm điều khác. Thì chắc bây giờ tôi đã tốt hơn.”
Có bao giờ các bạn nuối tiếc 1 điều gì đó như vậy không?
Có bao giờ bạn thấy sự lựa chọn của mình, là sai lầm?
Có bao giờ bạn phân vân, không biết nên làm gì, lựa chọn gì trong hoàn cảnh hiện tại?
Phải đến 70-80% chúng ta đã và đang mắc phải những điều trên ấy nhỉ. Và nếu tính toàn bộ cuộc đời, thì mình nghĩ chẳng ai thoát được.

Ngày xưa, khi đọc 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ (kèm theo ở cuối bài). Mình còn thắc mắc cái ý nghĩa sâu xa của nó. Rất dễ đọc, nhưng cũng rất khó hiểu.
Cho đến hôm nay, mình mới thực sự nhận ra những chân lý ẩn sau những quy tắc đó.

Cuộc đời mỗi người, sẽ có những lúc phải lựa chọn. Lựa chọn, chỉ là 1 thoáng chốc. Nhưng hiệu quả hay hậu quả của nó, thì sẽ kéo dài đến về sau.
Và, cuộc đời chúng ta, sẽ có những giai đoạn, ta “lựa chọn sai”.
Tức là, vào những thời điểm đó, giai đoạn đó, bạn sẽ “lựa chọn sai”.
Có thể bạn nghĩ đến lựa chọn đúng, muốn theo lựa chọn đúng. Nhưng lại có người xen vào, có người xúi bẩy, có môi trường gây cản trở, và định hướng bạn sang “lựa chọn sai”.
Đúng thì chỉ có 1, còn sai thì rất nhiều.

Cái này nếu nghiệm từ thực tế thì khó quá, mình đành phải nghiệm qua 1 môn nghiên cứu về con người, đó là tử vi. Qua nghiên cứu, mình tạm đưa ra một vài con số:
25% chúng ta, sau khi trải qua toàn bộ cuộc đời, cảm thấy mình lựa chọn đúng. Tức là 75% đến khi xuống mồ, vẫn còn nuối tiếc quá nhiều thứ, và tự vấn lương tâm quá nhiều, vì đã lựa chọn sai.
Trong số 25% may mắn đó, thì oái ăm thay, giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời, tầm 2x – 3x tuổi, hầu như họ sẽ cảm thấy họ đang lựa chọn sai.
- Lựa chọn sai trường để học.
- Lựa chọn sai ngành nghề để làm việc.
- Lựa chọn sai người để yêu.
- Lựa chọn sai công ty để làm.
- Lựa chọn sai nơi để ở.
v.v…
Khi lựa chọn sai, thì dĩ nhiên sẽ đem lại nhiều vấn đề về tâm lý như:
- Thiếu đam mê nhiệt huyết.
- Bị động trước thời cuộc, không biết làm cái gì, không tự làm chủ được số phận của bản thân.
- Mù mờ, không định hướng được tương lai.
- Nuối tiếc quá khứ và muốn được quay về để lựa chọn lại.
v.v…

Như vậy bạn thấy đó, nhìn mọi người cười cười nói nói, nhưng rất có thể, họ, và rất nhiều người khác, đang trong tình cảnh giống như bạn. Có thể trong con mắt bạn, họ đang thành công, đang có cuộc sống tốt. Nhưng trong con mắt họ, họ cảm thấy chưa là gì cả, chưa xứng đáng, đáng ra mình phải được nhiều hơn nếu lựa chọn khác đi. Hoặc lựa chọn khác đi, họ sẽ hạnh phúc vui vẻ hơn, chứ không áp lực vất vả như hiện tại.

Thế 25% may mắn đó, tại sao đã lựa chọn sai lúc tuổi trẻ, mà kết lại toàn bộ cuộc đời, họ vẫn nghĩ họ lựa chọn đúng.
Vì có thể những lựa chọn sai trong giai đoạn tuổi trẻ đó, đã rèn giũa họ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, hiểu giá trị cuộc sống hơn… Và có thể, nhờ những lựa chọn mà họ nghĩ là sai đó, sau này thời thế thay đổi, lại thành lựa chọn đúng.
Ví dụ: bạn vào 1 công ty lúc nó khó khăn, bạn nghĩ bạn lựa chọn sai, nhưng sau đó công ty phát triển cực mạnh, và bạn giàu kếch xù.
Họ nghĩ họ lựa chọn đúng, không hẳn là họ giàu, hay quyền lực, hay danh tiếng … Mà đơn giản là, họ thấy thỏa mãn với cuộc sống họ đang có. Vậy thôi.

Số 75% còn lại thì như thế nào?
75% còn lại, trong cuộc đời có những giai đoạn, bạn cảm thấy mình đang đúng đường, lựa chọn đúng. Cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống, cảm thấy đi đúng đường.

Và tất nhiên, cũng có những giai đoạn cảm thấy lựa chọn sai.

Điểm khác biệt là, cái số 25% may mắn trên, chỉ có tầm 10 năm trong cuộc đời lựa chọn sai.
Còn số 75% đen đủi, thì chỉ có tầm 10 năm trong cuộc đời lựa chọn đúng.

Nhưng đừng lo, dù rơi vào số 75%, bạn vẫn có thể thành công, vẫn có thể giàu có, công danh… Nhưng bạn vẫn cứ thấy mình “lựa chọn sai”. Giống như kiểu “nhà giàu cũng khóc”.

Ôi, đời là bể khổ mà. Hihi.

Vậy nên, nếu có lúc nào bạn tự vấn lương tâm câu hỏi như ở đầu bài: Giá như… tôi lựa chọn khác đi.
Thì tôi xin nói rằng: đừng tiếc bạn ạ, nếu bạn có quay lại quá khứ, thì bạn cũng không thể lựa chọn đúng được đâu.
Còn nếu bạn đang phân vân 1 lựa chọn nào đó thì: hãy làm theo ý bạn đi, hãy cứ mạnh dạn mà lựa chọn đi. Nếu đúng, ắt là nó đúng. Còn sai, thì chấp nhận thôi.


P/S: 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ
1. Quy tắc đầu tiên: “Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp”
Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, gặp gỡ đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại. Vì vậy, hãy tôn trọng và coi trọng những người mà chúng ta gặp gỡ!
2. Quy tắc thứ hai: “Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra”
Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất.
Không có: “Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi…, thì nó hẳn đã khác đi. “
Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta có thêm bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.
3. Quy tắc thứ ba: “Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm”

Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn.
Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.
4. Quy tắc thứ tư: “Những gì đã qua, cho qua”
Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.

Post a Comment

0 Comments
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.