Có nên đặt tên con theo "Thần Số Học"

Mấy bạn dùng thần số học, tính toán ngày tháng năm sinh để xem ABC XYZ thì thôi tôi cũng chẳng ý kiến, vì tôi chưa học về thần số học nên tôi chẳng ý kiến làm gì.

Nhưng các bạn đòi xem tên theo thần số học, dựa vào họ và tên để tính ra con số rồi từ đó dự đoán tính cách, năng lực, hành vi.... tôi cứ thấy "chuối cả nải".

Có ông anh đồng nghiệp của tôi thần tượng cái món thần số học này lắm. Lại còn bảo: "khi nào sinh con để anh đặt tên cho", thật là vãi. Ông ấy còn tự tin bảo tôi liệt kê 1 số tên gọi ở nhà của các bé mà tôi biết, ông sẽ chém tính cách các bé cho. Tôi cũng liệt kê thử, nghe ông ấy luận 1 lúc thấy y như mấy cái bài luận cung hoàng đạo, nhưng rồi vẫn chẳng đâu ra đâu.

Ngày xưa để ký âm tiếng Việt, các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã sử dụng bảng chữ cái la tinh nhưng không đủ. Vì vậy đã dần dần cải tiến và thêm vào các dấu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) và một số chữ cái khác (Ă - Â - Đ - Ê - Ô - Ơ - Ư). Tiếng Việt lại không có các chữ W, Z, F. Mà lại dùng các phụ âm kép. Vậy thì bản chất cái hệ thống chữ cái, cách ký âm của tiếng Việt đã khác xa bản gốc La Tinh.

Giả sử các bạn muốn áp dụng Thần Số Học vào tiếng Việt, thì các bạn phải trở về nghiên cứu như Pythagoras thuở ban đầu, tức là phải soi kĩ xem từng chữ cái, từng âm thanh, từng vần,.... ứng với số nào.

Còn cái hệ thống Thần Số Học ở Việt Nam hiện tại là gì, là bỏ hết dấu, bỏ hết chữ cái Ă-Â-Đ-Ê-Ô-Ơ-Ư. Rồi chuyển thành tên không dấu rồi tính số. Như vậy là sai ngay từ bản chất, chuối cả nải. Cái con số tính ra được chẳng có ý nghĩa gì cả.

Pythagoras bắt đầu lý thuyết về các con số của mình bằng cách khám phá ra mối quan hệ giữa các con số và các nốt nhạc. Ông phát hiện ra rằng dao động trong các nhạc cụ dây có thể được giải thích bằng toán học.

Vậy nên khi đem các lý thuyết của Pythagoras sang 1 quốc gia khác, với cách nói khác, cách phát âm khác, cách ký âm khác..... thì phải nghiên cứu lại từ đầu. Thậm chí đem từ Hy Lạp sang Bồ Đào Nha, sang Anh đã khác nhiều rồi chứ nói gì đến 1 nơi có hệ thống chữ viết khác xa bản gốc như chữ Việt.

(lấy ví dụ vui: Tiếng Việt thì A không dấu có thể là: a, à, á, ả, ã, ạ, ă, ằ ắ, ẳ, ẵ, ạ, â, ầ, ấ, ẩ, ẫ, ậ. Nhưng khi đem môn thần số học về Việt Nam thì những người đem về đã quy thành chữ A hết, gộp hết tất cả những chữ trên thành một. Trong khi những chữ này khác nhau cả về hình ảnh lẫn âm thanh).


Một vấn đề quan trọng nữa là chữ cái chúng ta đang viết hiện nay là chữ ký âm. Tuy rằng thuận tiện về mặt phổ cập chữ viết, xóa mù chữ, nhưng lại có nhược điểm là "mất gốc". Quá nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nhiều từ Hán Việt không được thể hiện đầy đủ, rõ ràng. Hơn 90% tên người Việt hiện nay là âm Hán Việt, mà phải phân tích ngữ nghĩa cụ thể mới thể hiện đầy đủ được.

Do đó nếu chỉ dựa theo các chữ cái để đoán định thì không thể hiện rõ hết ý nghĩa, bản chất trong tên của người Việt.

Cho nên tôi khuyên bạn nào có ý định đặt tên con mới sinh theo Thần Số học thì nên suy nghĩ lại.

Post a Comment

0 Comments
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.