Người là thước đo của vạn vật.

Học giả nổi tiếng Protagoras có câu danh ngôn: “Người là thước đo của vạn vật, là thước đo tồn tại của sự vật tồn tại, cũng là thước đo không tồn tại của sự vật không tồn tại".
Vì sao “người là thước đo của vạn vật” mà không phải “vạn vật là thước đo của con người”? Protagoras giải thích nói: Một làn gió mát phớt qua mặt, đối với người cảm thấy lạnh mà xét thì là lạnh, đối với người cảm thấy không lạnh là là không lạnh. Một loại thức ăn nào đó, đối với người cảm thấy ăn ngon là thức ăn ngon, đối với người cảm thấy không ngon thì là thứ chán ngấy. Cho nên, vật cũng chỉ là vật, nó tốt xấu, khá kém đều là do con người định ra. Còn người dựa theo cảm giác của mình đưa ra phán đoán, cái đó sẽ gọi là “người là thước đo của vạn vật”.

Vì sao các môn đệ của Thiên Lương phái (môn Tử Vi) bị ném đá ầm ầm, luận số chém gió thì cứ 3 vòng thái tuế, trường sinh, lộc tồn mà bật, thậm chí bỏ lơ cả chính tinh tứ hóa, thế mà vẫn nhiều người nghe, nhiều người tin, nhiều người thấy đúng, và vẫn tồn tại trên giang hồ vững vàng qua bao nhiêu năm.
Vì tử vi của phái Thiên Lương có triết lý nhân sinh quan rất cao, đưa ra góc nhìn của bản thân mỗi người, chứ không phải là góc nhìn của xã hội.

Sự việc, hiện tượng có thể không thay đổi theo thời gian. Nhưng góc nhìn của ta, lại có thể thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi góc nhìn, dẫn đến mình cảm thấy nó tốt, xấu khác nhau.


Lấy 1 vài ví dụ nhé:
1. Một cô sinh viên đậu học viện Ngân Hàng cách đây 5 năm. Lúc đậu, cô cực sung sướng vì vào ngành hot. Cha mẹ họ hàng đều tự hào, vui mừng. Đó là tốt.
Sau đó là quá trình học, và phát hiện ra dần dần ngành Ngân Hàng bắt đầu hết hot, cô ta bắt đầu chán nản, thấy rằng mình thật ngu ngốc khi chọn trường này, học hành bớt hứng thú. Cha mẹ cũng đau đầu : “ra trường sao xin việc”.
Sau đó may sao, tốt nghiệp, lại đúng đợt Ngân Hàng tuyển, cô ta trúng tuyển, lại thấy yêu đời, thấy sự nghiệp may mắn thuận lợi. Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Nhưng sau khi làm 1 năm, lại lẹt đẹt với công việc, áp lực, làm đúng chuyên ngành nhưng không vui chút nào. Lại chán nản.
v.v….

Lấy 1 tiến trình ngắn khoảng 6-7 năm, góc nhìn của cô ta sẽ thay đổi vài lần. Trong giai đoạn đó, nếu đi xem bói, thầy bói cũng sẽ chết khổ vì cô ta. Về bản chất, con đường sự nghiệp của cô ta thay đổi không quá nhiều, không có gì quá biến động, không lên voi xuống chó. Cái thay đổi nhiều, chỉ là góc nhìn của cô ta mà thôi.

2. Một anh chàng học ĐH Bách Khoa, học đến giữa chừng phát hiện ra mình không thích Bách Khoa, mình mê kinh doanh, nhưng đã muộn. Anh ta cố học xong Bách Khoa, nhưng ra trường thất nghiệp, chán nản.
Cố gắng tìm việc đúng chuyên ngành, tìm được việc, anh ta vui mừng.
Nhưng làm 1 thời gian, lại chán nản, vì thấy không hợp.
Cố gắng bám trụ, sau đó chuyển hướng sang kinh doanh, kinh doanh trên lĩnh vực kĩ thuật. Và thấy hợp.

Dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, anh ta chẳng có gì xấu, chẳng có gì biến đổi nhiều. Anh ta đậu ĐH, học đủ tốt nghiệp, ra trường có việc, làm việc mức lương nào đó, sau đó chuyển hướng kinh doanh. Dưới góc nhìn của xã hội, anh ta được xem là ổn định, đều đều, tốt đẹp, chẳng có lúc nào bất ổn.

Nhưng dưới góc nhìn của anh ta, thì cái giai đoạn từ lúc học ĐH đến lúc chuyển hướng kinh doanh, sẽ có những lúc bế tắc cùng cực, những lúc phải cố gắng học và làm việc mình không thích, những lúc phải đấu tranh, đắn đo hướng đi cho riêng mình. Và cảm thấy thoải mái, cho dù vất vả hơn, thu nhập thấp hơn.

3. Một cậu công tử nhà giàu, sinh ra sung sướng, muốn gì được nấy, cha mẹ lo cho tận răng, học xong chỉ việc đi làm. Thiên hạ nhìn vào thì ….

Nhưng trong lòng anh ta, có thể ẩn chứa rất nhiều rắc rối. Nào là vì sao mình không được tự do. Vì sao mình không giỏi như người ta để kế thừa sự nghiệp. Vì sao mình không có động lực. Vì sao mình phải làm công việc nhàm chán này. Và vì sao nhà mình không giàu như mấy nhà siêu đại gia kia, để ôm Ngọc Trinh, để lái siêu xe. Nhìn mấy siêu đại gia kia mà phát thèm.

Kết Luận: Những người xung quanh bạn, đôi khi không như bạn quan sát. Đừng so sánh với họ.
Và cuộc sống của chính bạn, cũng đôi khi không như bạn cảm nhận.
Hãy cố gắng có con mắt khách quan nhất để nhìn nhận sự việc. Để biết rõ mình đang ở đâu. Để không đắc thắng khi được thành tích nhỏ. Mà cũng để không sụp đổ khi gặp tai họa chưa lấy gì làm lớn.
Vì chặng đường còn dài, và chúng ta còn trẻ lắm các bạn ạ.
Tags

Post a Comment

0 Comments
* Please Don't Spam Here. All the Comments are Reviewed by Admin.