CHUYỆN ĐẶT TÊN – cũ mà mới.


☯ Những người cho rằng việc xem này xem nọ để đặt tên là không cần thiết, cứ việc đặt theo ý thích của bố mẹ. Tôi ủng hộ cả 2 tay. Cám ơn các bạn đã đọc đến dòng này.

☯ Những người quan niệm rằng chọn tên phải theo “phong thuỷ”, “tử vi” rồi tự tra cứu trên mạng thì tôi chê. Các bạn làm thế thì thà rằng các bạn đặt theo ý thích còn hơn.


Thôi tóm lại là thế này, tên của người Việt thì phải theo người Việt, đem chữ Hán vào làm gì nhỉ??

Vì các bạn nhìn quanh, tên của chúng ta toàn là âm Hán Việt. Mật độ từ Hán Việt trong tên phải đến hơn 90% và gần như là 100% ở các thành phố lớn. Chẳng ai đặt là Cỏ, mà lại đặt là Thảo. Chẳng ai đặt là nặng, mà lại đặt là Trọng.

Vậy thì chúng ta không thể gạt bỏ hoàn toàn được yếu tố Hán khi đặt tên. Nếu chúng ta vẫn còn muốn đặt một cái tên tiếng Việt trên đất Việt Nam. Trừ khi bạn đặt tên con kiểu như là Nguyễn Giàu Nặng chẳng hạn.


Vậy đặt tên theo chữ Hán, thì dân TQ đã “màu mè” hoá, vẽ ra những quy tắc như thế nào.

☯ ĐẶT TÊN THEO THỂ CÁCH.

Tức là dựa vào số lượng nét của chữ Hán trong họ và tên (đếm số nét chữ phồn thể). Rồi kết hợp lại, lập ra Thiên Cách, Địa Cách, Nhân Cách, Ngoại Cách. Một mớ quy tắc rất lằng nhằng.

Nhưng theo tôi hiệu quả cũng chẳng cao. Tôi khảo sát một số tên của những người thành công, các chính khách VIP, thì thấy thể cách của họ cũng chẳng phải là cao.

Và đương nhiên, nếu chúng ta đặt tên giống hệt tên của các VIP, thì cũng chưa hẳn có hiệu quả tốt.

 

Buồn cười ở chỗ, cái đặt tên theo Thể Cách này đã được công thức hoá theo số nét. Nên một số trang web đặt tên theo phong thuỷ ở VN cứ đem công thức về áp dụng một cách vô tội vạ, rập khuôn một cách máy móc, miễn là hút được người xem để thu lời. Những cách rập khuôn đó là:

- Tính số nét theo chữ Giản Thể (nghe chuối chuối, vì chữ Giản Thể đơn giản là chữ viết tắt cho gọn gàng hơn).

- Tính số nét theo chữ Quốc Ngữ (rất vớ vẩn, vì chữ Quốc Ngữ là chữ ký âm, số nét chữ chỉ mang tính quy ước).

- Tính số nét chữ Hán mà không để ý đến hiện tượng “đồng âm khác nghĩa” (ví dụ chữ Quân có nhiều ý nghĩa khác nhau trong Bình Quân, Hoàng Quân, Minh Quân, Trung Quân. mỗi chữ lại có số nét khác nhau).

Tóm lại cái đặt tên theo thể cách chỉ nên xem cho vui, hoặc tốt nhất đừng xem.


☯ ĐẶT TÊN THEO NGŨ HÀNH.

Người Trung Quốc thì cái gì cũng phân chia mọi thứ theo Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái.

Và chữ Hán tất nhiên cũng có phân Ngũ Hành. Mỗi chữ có 1 ngũ hành khác nhau. Các bạn có thể tra cứu ngũ hành của chữ Hán ở link sau: http://tool.httpcn.com/Zi/

Ngũ hành của chữ Hán, được phân chia dựa trên Ý Nghĩa của chữ Hán đó.

Về sau một số nhà nghiên cứu người Việt đề xuất đặt ngũ hành theo Âm Thanh của tiếng nói người Việt. Cũng khá hay và hợp lý. Nhưng lại chưa giải quyết được vấn đề “đồng âm khác nghĩa” có rất nhiều trong tên người. Và công trình nghiên cứu này vẫn chưa hoàn thiện lắm. Vì vậy tôi nghĩ thôi thì vẫn cứ theo lệ cũ, đặt theo ngũ hành kiểu cũ cho nó an toàn.


☯ LỰA CHỌN NGŨ HÀNH NÀO.

Ở Trung Quốc thời xưa, thì yếu tố dòng tộc còn được coi trọng hơn yếu tố cá nhân. Bởi vậy mà ngũ hành tên của người trong 1 đời thường có ngũ hành giống nhau, và nối tiếp ngũ hành của đời trước.

Ví dụ đời ông đặt tên ngũ hành Thổ, đời bố sẽ là Kim, đời con sẽ là Thuỷ, đời cháu là Mộc.

 

Nhưng dần dần về sau thì người ta đặt nặng yếu tố cá nhân hơn. Do đó mà lại nảy sinh việc băn khoăn lựa chọn tên theo ngũ hành nào.

- Nhiều người lựa chọn tên theo Ngũ Hành Nạp Âm. Ví dụ năm Canh Tý và Tân Sửu có ngũ hành nạp âm là Bích Thượng Thổ. Thế là cứ ngắm tên hành Thổ hoặc Hoả để đặt cho con.

Đặt kiểu này thì thôi khuyên thật các bạn đừng lựa làm gì. Thà đừng xem còn hơn. Đây là kiểu cá mè một lứa ai cũng như ai. Chẳng lẽ 2 năm Canh Tý, Tân Sửu với bao đứa trẻ được sinh ra, đứa khoẻ đứa yếu, mỗi đứa một tính, mà ai cũng hợp tên hành Thổ.

- Phương án thứ 2, được các nhà mệnh lý Tứ Trụ (hay còn gọi là Bát Tự, Tử Bình) rất thích. Đó là tìm dụng thần theo Tứ Trụ, rồi lựa chọn ngũ hành theo dụng thần đó.

Cách này dựa theo đầy đủ năm tháng ngày giờ sinh, giới tính. Xem xét cẩn thận. Dĩ nhiên là rất chi tiết và rất hợp ý các “thầy”. Còn hiệu quả thực sự đến đâu. Tôi cũng không dám chắc.


☯ VẬY TÓM LẠI THÌ THẾ NÀO?

Thì phương pháp tôi đưa ra như sau:

- Lựa chọn ngũ hành phù hợp (theo dụng thần của môn tứ trụ).

- Bổ sung xem thêm tử vi, để xem tính cách sơ lược như thế nào, xem có cần điều chỉnh “nhẹ” gì không. (ví dụ xem số thấy nó kiêu căng ngạo mạn quá, thì đặt tên bình bình, nhẹ nhàng, khiêm tốn 1 tí)

- Lựa chọn các chữ Hán có ngũ hành phù hợp, có ý nghĩa phù hợp. Tránh các chữ Hán ít phổ biến hoặc ít xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt.

- Lựa chọn chữ lót để làm nổi bật ý nghĩa của tên chính. Tránh trường hợp đồng âm khác nghĩa gây hiểu nhầm.

VÀ TRÊN HẾT, NẾU THẤY LOẰNG NGOẰNG PHỨC TẠP QUÁ. THÔI THÌ VÔ SƯ VÔ SÁCH, CỨ ĐẶT THEO Ý THÍCH CỦA BỐ MẸ, XEM LÀM GÌ CHO MỆT NGƯỜI.

Share: